Phát triển và diệt vong Tống_(nước)

Đầu thời Xuân Thu, nước Tống hình thành chế độ huynh chung đệ cập (兄终弟及; anh chết thì em lên thay), làm lung lay chính quyền nước Tống một cách trầm trọng. Năm 728 TCN, Tống Tuyên công mất, em trai là Tống Mục công kế vị, sau con của Tuyên công là Tống Thương công kế vị thì bị Hoa Phụ Đốc (華父督) giết, lập con Mục công là Tống Trang công. Năm 690 TCN, phát sinh loạn Tống Tử Du, chư công tử chạy khắp các nước khác, sau cùng tôn phù lập con của Trang công là Công tử Ngữ Thuyết lên ngôi, tức Tống Hoàn công. Từ thời gian này, nước Tống mới có cơ hội phát triển cực đại, hùng mạnh trong một thời gian ngắn.

Năm 643 TCN, Tề Hoàn công, vua bá chủ chư hầu đầu tiên thời Xuân Thu qua đời, nước Tề suy yếu. Quốc chủ thứ 20 nước Tống là Tống Tương công muốn tranh giành ngôi bá chủ, tổ chức hội họp chư hầu. Nhưng sau đó, Tống Tương công thất bại trước Sở Thành vương trong cuộc đối đầu quân sự. Tuy vậy, có ý kiến vẫn xếp Tống Tương công là một trong Ngũ bá của thời Xuân Thu.

Thời kỳ Tống Tương công cũng là giai đoạn phát triển cao nhất của nước Tống. Những năm sau, khi hai nước Tấn và Sở trở thành chư hầu mạnh nhất và tranh giành ngôi bá chủ, nước Tống khi ngả theo Tấn, khi ngả theo Sở.

Trong khoảng 800 năm tồn tại, nước Tống đã có những vụ biến loạn tranh chấp ngôi quân chủ dẫn đến việc sát hại các vị vua: Tống Thương công bị giết năm 711 TCN, Tống Mẫn công bị giết năm 681 TCN, Tống Tiền Phế công bị giết cùng năm, Tống Hậu Phế công bị giết năm 620 TCN, Tống Chiêu công bị giết năm 611 TCN, Tống Dịch Thành quân bị giết năm 335 TCN.

Vào giai đoạn cuối thời Xuân Thu, lợi dụng nước Sở đang bị nước Ngô quấy rối và nước Tấn trễ biếng, không thiết tha gì với việc tranh bá chư hầu nữa, nước Tống đã đem quân xâm chiếm và mở rộng lãnh thổ. Xung đột với Trịnh giành ấp, diệt nước Tào, họ muốn thông qua những xung đột này mà tạo thanh thế và giành lấy ngôi vị bá chủ, trong tình hình cả Sở và Tấn đều có những vấn đề của riêng mình. Nhưng tham vọng đó của nước Tống đã bị chặn đứng khi họ lại phải đối mặt với một cường quốc mới nổi khác là Ngô, thời điểm này Ngô vừa đánh cho nước Sở đến suy kiệt và đánh bại Việt, trở thành quốc gia mạnh nhất thời điểm lúc đó, thanh thế rất lớn. Ngô Phù Sai đem quân lấn đất Tống, ép nước này đến dự hội chư hầu.

Nước Tống được phong tước Công. Đến thời Chiến Quốc, các chư hầu lớn đều xưng Vương. Quốc chủ thứ 34 nước Tống là Tử Yển muốn ngang hàng với Thất hùng, bèn xưng Vương năm 324 TCN, tức là Tống Khang vương. Khang vương khuếch trương thế lực, mang quân đi xâm lấn các quốc gia xung quanh như Tề, Sở, Ngụy, Hàn. Nhờ những cuộc xâm lấn đó mà nước Tống mở rộng lãnh thổ và trở nên hùng mạnh trong một khoảng thời gian ngắn, khiến những nước coi thường Tống trước đây là Sở, Ngụy, Hàn bất ngờ vì sự lột xác trong một khoảng thời gian ngắn của nước Tống yếu ớt và dành một sự khâm phục nhất định cho Tống Khang vương. Nhưng do Khang vương là một vị vua nhà binh, lại ham mê tửu sắc không khác gì Hạ Kiệt khi xưa nên dân Tống dần oán ghét.

Năm 286 TCN, Tề Mẫn vương điều binh đánh Tống, giết chết Tống Khang vương. Nước Tống bị tiêu diệt.